Washington đã có thể nhanh chóng thành lập một liên minh quốc tế để hỗ trợ Ukraine sau khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, cung cấp hàng chục tỉ USD viện trợ quân sự, huấn luyện quân đội của Kyiv và áp đặt các lệnh trừng phạt trừng phạt đối với Moscow, theo AFP.
Viện trợ an ninh đạt tới 45 tỉ USD
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nga, Ukraine và lục địa Á-Âu Laura Cooper mới đây cho AFP hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là người điều khiển chính đằng sau Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, với các cuộc họp được tổ chức gần như hằng tháng "để tăng cường nỗ lực và phối hợp hỗ trợ của chúng tôi và tập trung vào việc giành chiến thắng trong cuộc chiến hôm nay và những cuộc chiến sắp tới".
Bà Cooper cho biết thêm các cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine cho phép những quan chức và chỉ huy quân sự Ukraine "cập nhật cho các bộ trưởng về động lực chiến trường hiện tại và các yêu cầu của Ukraine để cộng đồng quốc tế có thể xác định và cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết".
Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp được khai hỏa tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine
Bà Cooper còn tiết lộ rằng tổng hỗ trợ an ninh từ Mỹ và các quốc gia khác dành cho Kyiv đã lên tới ít nhất 45 tỉ USD kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Viện trợ cho Ukraine đã bao gồm hầu hết các loại thiết bị quân sự, từ vũ khí nhỏ và đạn dược đến hệ thống tên rốc két pháo binh, hệ thống phòng không và xe bọc thép.
Kyiv đã kêu gọi cung cấp một số khí tài mà những nước ủng hộ chưa sẵn sàng cung cấp, như hệ thống phòng không Patriot và xe tăng tiên tiến, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu. Trong đó, một số nước đã hứa hẹn cung cấp Patriot và xe tăng tiên tiến, nhưng tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ thì chưa.
Ukraine sẽ được phương Tây cung cấp chiến đấu cơ nào?
Những bên ủng hộ Ukraine cũng đang huấn luyện binh lính cho Kyiv, một nỗ lực được phối hợp riêng thông qua tổ chức Nhóm hỗ trợ an ninh-Ukraine, với lực lượng Mỹ bắt đầu một chương trình tập trung vào các cuộc diễn tập quy mô lớn hơn vào tháng trước, bên cạnh việc hướng dẫn về cách sử dụng các hệ thống vũ khí cụ thể.
Cố vấn cấp cao Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định: "Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, và sau đó là... sự hỗ trợ rộng rãi hơn của châu Âu và toàn cầu, Ukraine sẽ sụp đổ. Sự hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Và việc tiếp tục sự hỗ trợ đó cũng vô cùng quan trọng".
Phần lớn con số trên đến từ Mỹ, với viện trợ được cung cấp thông qua việc rút khí tài trực tiếp từ các kho dự trữ quân sự của Mỹ cũng như thông qua các đơn đặt hàng với ngành công nghiệp quốc phòng.
Sử dụng các đơn đặt hàng nhằm tránh làm cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ nhưng mất thời gian, trong khi việc cung cấp viện trợ trực tiếp lấy đi các khí tài từ kho dự trữ của Mỹ. Dù vậy, các quan chức quốc phòng đã nhiều lần khẳng định rằng việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ không làm suy yếu khả năng sẵn sàng của Mỹ.
Trong khi đó, ông Cancian nhận định tác động đối với kho dự trữ của Mỹ "sẽ là một vấn đề ngày càng gia tăng", lưu ý rằng điều này đặc biệt xảy ra với đạn pháo, trong khi có đủ nguồn cung cho các khí tài khác. Ông cho rằng những biện pháp thay thế và mua hàng từ các quốc gia khác có thể sẽ là giải pháp. "Viện trợ sẽ tiếp tục. Nhưng cách thức sẽ thay đổi để thích ứng với tình hình", ông Cancian nhận định.
Quân nhân Ukraine trong một lần khai hỏa lựu pháo M777 ở tỉnh Kharkiv thuộc miền đông Ukraine
Sự ủng hộ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ đối với viện trợ dành cho Ukraine nói chung là mạnh mẽ, nhưng có một số nhà lập pháp đã kêu gọi hạn chế viện trợ. "Không còn tiền cho Ukraine", nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz đã viết trên Twitter vào đầu tháng này.
Trong khi đó, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng vào cuối tháng 1 đã kêu gọi mở rộng viện trợ cho Kyiv, để cung cấp cả những hệ thống vũ khí tiên tiến mà Washington chưa gửi cho Ukraine.
Ông Stephen Sestanovich, một thành viên cao cấp về nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho rằng mức hỗ trợ hiện tại dành cho Ukraine "có thể được duy trì trong một thời gian dài. Điều khó khăn hơn là tìm ra cách để tăng mức hỗ trợ đó lên", theo AFP.
Trang tin Avia Pro ngày 26/11 cho biết, giới chức Nga đã thông báo đóng không phận tạm thời ở khu vực bãi phóng Kapustin Yar, vùng Astrakhan cho đến ngày 30/11.
Khu vực này thường được sử dụng để thử nghiệm và phóng tên lửa đạn đạo. Biện pháp hạn chế không phận có thể là dấu hiệu cho thấy Nga sắp tiến hành một vụ phóng thử hoặc tập kích tên lửa nhằm đáp trả Ukraine.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang theo dõi tình hình và sẵn sàng đáp trả các vụ tấn công bằng tên lửa ATACMS của Ukraine gần đây.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cảnh báo: "Các cuộc tấn công tên lửa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga là động thái leo thang. Tất cả cảnh báo của chúng tôi về việc những hành động không thể chấp nhận được này sẽ phải đối mặt với phản ứng thích đáng đều bị phớt lờ".
Ông Lavrov nhấn mạnh những ai đứng sau các cuộc tấn công vào công dân và cơ sở hạ tầng của Nga sẽ phải đối mặt với "hình phạt xứng đáng". Ông nêu rõ, bất cứ hành động leo thang nào từ đối phương cũng không thể buộc Nga phải từ bỏ mục tiêu ở Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại, Moscow vẫn cam kết vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, bao gồm cả tham vọng gia nhập NATO của Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine đang có bước ngoặt mới khi một số nước phương Tây bắt đầu cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tuần trước, Ukraine đã thực hiện hai vụ tấn công bằng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất nhằm vào tỉnh Kursk của Nga.
Ngày 23/11, Kiev được cho là đã bắn 5 tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ vào khu vực lân cận làng Lotaryovka, cách thành phố Kursk khoảng 37km về phía Tây Bắc, nhắm vào vị trí của sư đoàn tên lửa phòng không S-400. Cuộc tấn công khiến 3 quân nhân thương vong và gây hư hại cho radar.
Đến ngày 25/11, Kiev phóng 8 tên lửa ATACMS khác vào căn cứ không quân Kursk-Vostochny, nằm gần làng Khalino.
Để đáp trả cuộc tập kích ban đầu, Nga đã bắn tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro. Đây là một cuộc thử nghiệm tên lửa của Nga trong điều kiện tác chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tên lửa này có tốc độ nhanh gấp 10 âm thanh và không hệ thống phòng thủ nào có thể đánh chặn. Ông tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục thực hiện những vụ thử nghiệm tương tự trong thời gian tới.
"Tùy vào tình hình và bản chất của các mối đe dọa tới an ninh nước Nga mà chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa Oreshnik. Chúng tôi có sẵn Oreshnik trong kho để thử nghiệm, bao gồm cả trong điều kiện chiến đấu", chủ nhân Điện Kremlin nói.
Việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa Oreshnik đã trở thành chủ đề thảo luận chính của các chuyên gia những ngày qua. Trong khi một số nhà chuyên gia cảnh báo Oreshnik có thể gây ra mối đe dọa lớn cho hệ thống phòng không tương đối mỏng của Ukraine, số khác cho rằng Moscow đang phóng đại năng lực của tên lửa này.
Theo phân tích ban đầu, Oreshnik dường như có đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), tức là các đầu đạn riêng biệt mang khối nổ thông thường hoặc khối nổ hạt nhân để tấn công các mục tiêu khác nhau.
Tổng cục Tình báo Ukraine nhận định tên lửa này có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 đầu đạn con. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho hay, tên lửa Oreshnik mà Nga dùng để tập kích Ukraine tuần trước chỉ sử dụng đầu đạn không chứa thuốc nổ, nên thiệt hại gây ra tương đối nhỏ.